Pages

Chủ Nhật, 10 tháng 7, 2011

Bắt phóng viên và người biểu tình chống TQ

Công an Việt Nam tỏ ra cứng rắn hơn đối với người biểu tình trong hai tuần qua


Lực lượng an ninh tại Việt Nam đã trấn áp một cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở thủ đô Hà Nội bằng cách bắt giữ nhiều người biểu tình cùng với các nhà báo, trong đó có phóng viên đưa tin tức cho các cơ quan thông tấn nước ngoài như The Associated Press, chính hãng AP đưa tin.

Một số trong nhóm hàng chục người biểu tình tụ tập gần Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội đã bị lực lượng an ninh dồn lên xe buýt của cảnh sát trong khi họ cố gắng tập hợp trong một cuộc biểu tình hôm Chủ Nhật, 10 tháng Bảy, nhằm bày tỏ sự phản đối đối với các hành vi của Trung Quốc trong tranh chấp lãnh thổ với Việt Nam ở Biển Đông.

Hãng tin Associated Press cho hay nhà báo Đinh Hậu của hãng này, người khi đó đang quay phim tường thuật cuộc biểu tình liên tiếp ở tuần lễ thứ sáu ở Hà Nội, cũng bị buộc phải vào một chiếc xe buýt với cảnh sát vũ trang.

Một phóng viên quay phim người Việt Nam khác làm việc cho Đài Truyền hình NHK của Nhật Bản cũng nằm trong số này.

Một nhà báo nữa, trợ lý tin tức từ tờ báo Nhật Bản Asahi Shimbun, cũng đã bị bắt giữ.

Hãng AP tường thuật một bà mẹ tham gia biểu tình, phản đối TQ và cậu con trai năm tuổi của bà cũng đã bị đưa tới một đồn cảnh sát, nằm ở ngoại ô Hà Nội.

Trong số những người bị bắt ở cuộc trấn áp, giải tán được tường trình là diễn ra nhanh gọn, trong vòng 15 phút, còn có ông Ngô Duy Quyền, chồng của luật sư Lê Thị Công Nhân.

Nhà báo Đinh Hậu, cùng các nhà báo khác và những người biểu tình đã được thả ra sau khi bị bắt giữ và thẩm vấn vấn trong khoảng ba giờ.

Điện thoại và máy ảnh của họ đều bị thu giữ tạm thời phục vụ việc kiểm tra, rà soát thông tin của an ninh.

Hiếm hoi

Các cuộc biểu tình ngoài đường phố là hiện tượng hiếm hoi ở Việt Nam, nơi mà chính quyền cộng sản duy trì sự kiểm soát chặt chẽ, thế nhưng Hà Nội đã cho phép những nhóm người biểu tình lên đến khoảng 200 người tụ tập và diễu hành trong cuộc biểu tình ngày Chủ Nhật lần thứ năm hồi tuần trước.



Cuộc biểu chống TQ hôm 10/07 đã bị an ninh giải tán nhanh chóng.



Khi đó, những người biểu tình chống Trung Quốc đã diễu hành qua các đường phố chính ở thủ đô, hô vang các khẩu hiệu và thông điệp chống hành vi mà những người xuống đường gọi là 'bành trướng', 'bá quyền' củaTrung Quốc.

Trong suốt các cuộc tụ tập và tuần hành năm tuần lễ đầu tiên, các nhà báo đã được cho phép chụp ảnh, ghi hình, quay phim các sự kiện biểu tình bất chấp sự hiện diện dày đặc của các lực lượng công an, an ninh công khai hoặc mặc thường phục.

Tuy nhiên, các quan chức từ Việt Nam và Trung Quốc đã gặp nhau tại Bắc Kinh cách đây hai tuần và đã đưa ra một tuyên bố chung nói rằng họ đã đồng ý thương lượng để giải quyết vấn đề một cách hòa bình, vẫn theo AP.

Trước đó, Việt Nam tuyên bố tàu Trung Quốc cản trở hoạt động thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý ngoài khơi bờ biển, trong khi Trung Quốc cáo buộc VN gây nguy hiểm cho ngư dân Trung Quốc trong một khu vực tranh chấp gần khu vực Trường Sa, nơi được cho là có các nguồn tài nguyên phong phú.

Hiện chưa rõ việc tụ tập biểu tình hôm Chủ Nhật 10/7 bị giải tán có liên qua ra sao tới chủ trương được cho là đồng thuận chung, theo đó Việt Nam được TQ yêu cầu "định hướng dư luận" trong nước.

Hôm thứ Bảy 09/7, tại Thủ Đô Berlin của CHLB Đức đã diễn ra cuộc biểu tình với sự có mặt của nhiều kiều bào Việt Nam phản đối Trung Quốc.

Trước đó một tuần, một trong hai cuộc biểu tình được cho là của Việt kiều đã diễn ra cũng ở châu Âu, một trong số đó là cuộc biểu tình của hàng trăm sinh viên, lưu học sinh VN tại Bruxelles, Bỉ, vốn diễn ra trước Đại sứ quán Trung Quốc và được cảnh sát và giới chức nước này cho phép.

Không có nhận xét nào: