Pages

Thứ Ba, 12 tháng 7, 2011

Câu chuyện Cù Huy Hà Vũ lại hâm nóng các diễn đàn










Công dân vô tội Cù Huy Hà Vũ

Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ là một người vô cùng đặc biệt. Nhờ những việc làm dũng cảm của mình, anh đã thực sự đặt được một niềm tin lớn trong lòng người hâm mộ, với tiếng tăm vang dội không những trong cộng đồng người việt, mà quốc tế còn biết đến Cù Huy Hà Vũ như một nhà bất đồng chính kiến nổi bật.

Mấy ngày qua, các diễn đàn phi Cộng Sản lại nóng lên với loạt thư tín trao đổi giữa giáo sư Nguyễn Huệ Chi và hai ông Cù Huy Chử, Cù Huy Thước, là hai người chú ruột của nhà trí thức, nhân sĩ họ Cù.

Giáo sư Nguyễn Huệ Chi là một nhà khoa học, một nhà giáo nổi tiếng không vì ông là con của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Đổng Chi, mà vì ông là một hội viên Hội nhà văn Việt Nam, và từng là chủ tịch hội đồng khoa học thuộc Viện khoa học Xã hội Việt Nam. Ông còn nổi tiếng vì vào năm 2009 đã cùng với nhà văn Phạm Toàn, giáo sư Nguyễn Thế Hùng, lập ra trang mạng Internet Bô Xít Việt Nam. Giáo sư Chi là bạn vong niên của tiến sĩ Vũ.

Bức thư của giáo sư Nguyễn Huệ Chi sẽ không có gì đáng bàn, và cũng rất có thể sẽ không có lá thư ấy, nếu không có những cuộc tiếp xúc nào đó giữa giáo sư Chi và “một vài người có trách nhiệm” (trích). Những người “có trách nhiệm” ở đây, chúng ta phải khẳng định là những nhân vật có quyền bính trong bộ máy công quyền, cỡ như cấp tướng trong ngành công an, hay cỡ viện trưởng viện Kiểm Sát, là những người có thẩm quyền lãnh đạo điều tra vụ án Cù Huy Hà Vũ.

Những ai quan tâm đến vụ án chấn động và phiên tòa vừa kỳ, vừa dị xét xử tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ ngày 04/04/2011, đều thấy rõ một điều là: Cùng với việc quy kết tội danh không hề có cho một công dân yêu nước và vô tội, tòa án và hệ thống pháp luật, cùng với báo chí của nhà nước đã “vận hết sức mình” nhằm hạ uy tín cá nhân của tiến sĩ họ Cù. Đây chính là việc làm nhằm triệt tiêu tầm ảnh hưởng của một nhà yêu nước đối với quần chúng.

Trước khi đến với những phân tích về ý kiến của giáo sư Nguyễn Huệ Chi trong thư tín gửi hai người chú, thay mặt người cha đã khuất Cù Huy Cận của luật gia Cù Huy Hà Vũ. Chúng ta cũng nên có những góc nhìn vừa chủ quan vừa khách quan về “hiện tượng Cù Huy Hà Vũ”.

Công dân Vũ cũng như bao người khác, không phải là một vị thánh. Anh có thể có những yếu điểm, có tính cách, phong cách, hay cá tính riêng, và có thể mắc sai lầm, đó là chuyện rất bình thường. Nhưng quả thực, ngoài việc công an gán ghép cho anh “tội danh” có quan hệ nam nữ ngoài hôn nhân, “tội” tham quyền thừa kế, thì họ không thể làm gì hơn để hạ nhục anh nữa.

Dù là với động cơ gì, thì sự lên tiếng của tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ cũng là một hành động vô cùng dũng cảm. Ở thời điểm hiện tại, khi mà cái bóng của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang là nỗi khiếp đảm cho cả những tên tuổi lớn, thì công dân Cù Huy Hà Vũ vẫn dám đệ đơn kiện ông ta ra tòa, với những tội danh mà tất cả những ai có hiểu biết về pháp luật cũng phải thừa nhận là vụ kiện có cơ sở pháp lý.

Dù là với động cơ gì, thì những bài viết, những cuộc trả lời phỏng vấn với báo đài tự do hải ngoại về hiện tình đất nước, về hiểm họa Bắc thuộc, về những bất cập trong hệ thống pháp luật, cũng như sự bất hợp lý trong cơ chế cầm quyền ở Việt Nam vv.., đều cần phải được đánh giá đó là những hành động thể hiện lòng yêu nước.

Dù là với mục đích gì, thì những việc làm của tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ cũng có ích cho đất nước, cho xã hội, nhưng nó lại gây hại cho vị thế cầm quyền của Đảng Cộng Sản Việt Nam, đe dọa những chiếc ghế tít tận trên cùng của thượng tầng kiến trúc chính trị hiện thời. Vậy chúng ta không ngạc nhiên gì, khi tiếp tục được thấy những thông tin đánh vào uy tín chính trị của tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ. Thiết nghĩ vệc ai đó, thế lực nào đó, cố tình tấn công vào thanh danh của nhà yêu nước này, thì lại càng làm anh nổi tiếng và càng khẳng định sự trong sáng về cơ bản của con người anh.

Xin được trách ngay giáo sư Nguyễn Huệ Chi về quan điểm của ông bày tỏ trong bức thư nhắc đến ở trên. “…lỗi thứ nhất nếu có thì cũng chẳng liên quan gì đến các tội trạng mà phiên tòa sơ thẩm đã cáo giác Vũ, còn lỗi thứ hai là một bằng chứng đáng kể nhưng tại sao người ta lại không dùng ngay nó để khép tội anh khi xét xử tại phiên tòa sơ thẩm ngày 4/4/2011?” (trích). Không hiểu sao một nhà trí thức như giáo sư Chi lại có cái nhìn lệch lạc đến như vậy! “Lỗi thứ hai” tức là lỗi “nhận tiền của những tổ chức, đảng phái nước ngoài” (trích). Đã là lỗi thì tất nhiên không phải là tội. Ở đoạn thư trước đó ông dùng chữ “tội” như đã được một nhân vật nào đó nói, thì đoạn sau lẽ ra vẫn nên viết nguyên văn như vậy (cũng có thể vì chỉ là một bức thư giống như một hội thoại riêng nên ông thiếu cẩn trọng).

Ở tình tiết thứ nhất (tạm gọi là “tội”1của Cù Huy Hà Vũ), thì chỉ là chuyện ngoài lề, vì giả sử nó đã từng xảy ra, cũng chỉ là chuyện mách lẻo (xin lỗi vị quan chức nào đã hớt lẻo với giáo sư Chi), và nó cũng không có thật, như ông Cù Huy Thước đã minh định bằng thư công khai gửi lên các cấp có thẩm quyền ngày 5/7/2011. Đối với “tội thứ 2” (cũng xin tạm gọi như vậy), và giáo sư Nguyễn Huệ Chi gọi là lỗi, xin có ý kiến giải thíc lời trách trên, như thế này:

Theo giáo sư Chi thì ông cho rằng “Còn lỗi thứ hai là một bằng chứng đáng kể” (trích), xin được khẳng định rằng: Một người nhận tiền cho không từ bất kỳ một ai, đều không có lỗi, đặc biệt là không có tội. Đối với một người thận trọng thì có thể tìm hiểu xem tại sao người ta lại tặng tiền cho mình (nếu là một khoản tiền lớn). Bản thân công dân Cù Huy Hà Vũ, tuy có học vị cao nhưng có vẻ cũng đang thất nghiệp. Cho nên việc nhận tiền giúp đỡ từ các tổ chức báo, đài, và những người quen biết từ hải ngoại cũng là chuyện bình thường. Hơn thế nữa, trong bức thư của giáo sư Chi cũng không nói rõ là tiền đó từ tổ chức nào. Xin mạnh dạn nói tăng thêm là, tiến sĩ Vũ đã nhận tiền của các tổ chức đấu tranh chính trị mà nhà nước quen gọi là phản động đi chăng nữa, cũng không hề là có lỗi. Vậy nó chẳng thể là một thứ “bằng chứng” nào như ý kiến của giáo sư Chi.

Bản thân nhà nước Việt Nam hiện nay cũng đang ngửa tay đi vay, đi xin viện trợ có lãi thấp, hoặc không lãi, có hoàn và không hoàn lại (nhiều người gọi là đi ăn mày) các nước Dân chủ như Mỹ, Ý, Nhật, Úc vv.., mà các nước đó thì hoàn toàn “phản động” với cái gọi là “chính nghĩa thứ thiệt” ví dụ như của nhà nước Việt Nam ngày nay. Không những thế, các nước Dân chủ nói trên còn đang “dung túng” vì đã cấp phép hoạt động cho hàng trăm tổ chức dân sự và chính trị của người Việt hải ngoại tự do hoạt động. Vậy có lẽ nước ta nên… thôi, không cần phải ngẩng cao đầu kiêu hãnh mà đi xin xỏ, vay mượn làm gì, vì nhận tiền của các nước Dân chủ dường như cũng là… có tội (!).

Đối với vế tiếp theo của lỗi 2 trong thư của giáo sư Chi, xin trích lại: Còn lỗi thứ hai là một bằng chứng đáng kể nhưng tại sao người ta lại không dùng ngay nó để khép tội anh khi xét xử tại phiên tòa sơ thẩm ngày 4/4/2011?”. Thật khó mà tưởng tượng rằng một người có tầm hiểu biết rộng như giáo sư Nguyễn Huệ Chi mà lại hiểu pháp luật một cách phiến diện như vậy? Vì nếu coi việc nhận tiền (nếu có) là một bằng chứng kết tội, hoặc chí ít là tình tiết tăng nặng, thì cần phải làm rõ xem tiến sĩ Vũ có phải là thành viên của tổ chức phản động (tôi thích từ này) nào hay không? Việc nhận tiền là để sinh hoạt hay phục vụ mục đích hoạt động chống chế độ vv.., vậy nó không bao giờ có thể là bằng chứng “đáng kể” như cách nói của giáo sư Nguyễn Huệ Chi…

Người viết bài này vốn “không đặc biệt hâm mộ tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ” – Nói như cách nói của giáo sư Ngô Bảo Châu (xin mời đọc bài viết có trước lời tuyên bố của giáo sư Châu). Nhưng với những góc nhìn tổng hợp, thì tiến sĩ họ Cù rõ ràng là một nhân vật đáng nể đối với cả phe “phản động” (có tôi ở trong đó) và phe “không phản động” (chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam). Và chúng ta hoàn toàn thông cảm với cách nhìn, dù là đã rất tiến bộ, rất nhân văn, của một vị giáo sư vốn cả đời đi theo cách mạng Công Sản, như giáo sư Nguyễn Huệ Chi. Câu chuyện về người dũng cảm – Cù Huy Hà Vũ – Chắc chắn sẽ còn tốn nhiều giấy mực của báo chí.

Lê Nguyên Hồng

Không có nhận xét nào: