Pages

Thứ Năm, 7 tháng 7, 2011

Hiệu quả của các hệ thống

Le Nguyen (danlambao) - Cách phát triển của nước CHXHCN Việt Nam hiện nay không khác mấy so với các bác nông dân hạng bét, cứ đào xới chỗ này một chút chỗ kia một chút trên cánh đồng xanh tươi xinh đẹp, trong phản cảm không phô bày tí xíu nào óc thẩm mỹ lẫn khoa học trong tổ chức phát triển đất nước.

Đã có nhiều quan chức, trí thức tiếng tăm, đảng viên lẫn không đảng viên cộng sản lên tiếng.

Về chính trị cựu chủ tịch quốc hội ông Nguyễn Văn An chỉ ra “ lỗi hệ thống” khiến sinh ra nhiều vua trong hệ thống quyền lực chính trị, ngăn trở đất nuớc phát triển.

Về kinh tế nhóm trí thức tinh hoa Nguyễn Quang A cho rằng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã hỏng, có nhiều nguy cơ tiềm ẩn, nhất là bất công xã hội không thể hoá giải trong tương lai mà bất công là mầm của đấu tranh, của bạo loạn.

Về giáo dục giáo sư Hoàng Tụy ngao ngán, bất lực thốt lên, chỗ nghẽn lớn nhất của phát triển là giáo dục nhưng cả hệ thống vẫn ì ạch, không có biến chuyển nào sáng sủa cho những ngày tháng tới.

Về y tế ông BS Ngọc chỉ mặt siêu trùng độc hại là do những “người cách mạng” kém kiến thức y khoa làm y khoa cộng với bệnh hám danh đang làm tan nát hệ thống y khoa, đang biến hóa thành một đại dịch phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ hũy hoại nền y học và gần như vô phương cứu chữa.

Về giao thông càng phát triển thì tai nạn gây chết người càng nhiều hơn nhưng không môt quan chức nào đứng ra chịu trách nhiệm do năng lực yếu kém của mình, chỉ nghe đổ lỗi cho người dân thiếu ý thức khi tham gia giao thông !

Chỉ ra những yếu kém trong phát triển kiểu con trâu với cái cày trong thời đại nông nghiệp của “đỉnh cao trí tuệ” cộng sản Việt nam, mà thiếu dẫn chứng cụ thể, không khéo lại bị các tín đồ cộng sản cuồng tín cho là nói xấu đảng, nhà nước, âm mưu của thế lực thù địch thì rõ khổ. Các tín đồ này không ngần ngại đưa sân Golf, chung cư cao tầng, khách sạn nhà hàng, khu nghĩ dưỡng đạt tiêu chuẩn quốc tế, khu vui chơi giải trí ấn tượng, những cây cầu hoành tráng bắt ngang sông Hồng, sông Hương, sông Tiền, sông Hậu..., đường xá “rộng thênh thang hơn tám thước” vượt xa tầm ước mơ của ông Tố Hữu khi đi làm cách mạng. Cùng với con tàu vĩ đại Vinashin, tập đoàn dầu khí PVN, điện lực EVN, than khoáng sản TKV hợp với ba ngành kinh tế chiến lược điện tử, giày da may mặc, thủy sản đưa đất nước tiến lên công nghiệp hóa hiện đại hóa nhưng vẫn kiên định cầm búa liềm chèo xuồng ba lá vươn ra biển lớn, với ước mơ vượt ngang tầm thời đại... Ôi thôi đủ thứ loa, đài, khẩu hiệu đảng sáng suốt, đảng quang vinh, đảng là ánh đuốc soi đường nỗ râm ran hơn pháo tết.

Thế nhưng họ nào biết bên ngoài Việt Nam những nước dân chủ tiên tiến đã đặt nền tảng tổ chức cai trị, phát triển đất nước bằng những hệ thống rất khoa học, rất hiệu quả giúp đất nước giàu mạnh, xã hội công bằng, toàn dân hạnh phúc ấm no. Để chứng minh sự hiệu quả của các hệ thống tổ chức của xứ người, không cách nào khác là cùng nhau tìm hiểu hệ thống giáo dục và sự tương quan của nó với các hệ thống, tác động lên sự phát triển kinh tế quốc gia.

Ở đây trong bài viết ngắn này sẽ không đi sâu vào chi tiết, nội dung chương trình giáo dục hay chính sách giáo dục vì như thế sẽ đi ra ngoài mục tiêu nêu bật tính hiệu quả, tác động hổ tương của các hệ thống lên chính sách kinh tế của quốc gia. Ở các nước tiên tiến, mỗi nước có sự khác biệt nhỏ trong tổ chức nhưng điểm chung là phải đạt hiệu quả và hệ thống giáo dục cũng không ngoài tiêu chuẩn đó. Khác với Việt Nam, các nước tiên tiến họ tách hệ thống giáo dục ra làm đôi: nhóm một đặc trách từ mẫu giáo đến tốt nghiệp trung học bao gồm trách nhiệm về thanh niên, về chủ doanh nghiệp kể cả việc bảo vệ sức khoẻ, an toàn nơi học tập và làm việc; nhóm hai đặc trách trường dạy nghề, đào tạo chuyên viên kỹ thuật trung, cao cấp của cao đẳng và đại học, bao gồm việc làm cũng như chịu trách nhiệm về sức khoẻ,an toàn nơi làm việc.

Hai hệ thống này có liên quan mật thiết với bộ ngân khố có nhiệm vụ thiết lập ngân sách, cân bằng thuế khoá, hoạch định chính sách kinh tế hoặc bộ tài chánh có nhiệm vụ ban bố chính sách lưu thông tiền tệ, giám sát lạm phát, theo dõi tỷ giá hối đoái trên thị trường. Do đó bộ giáo dục phải bám sát hai bộ vừa nêu để đáp ứng nhu cầu đòi hỏi nhân lực cho chính sách phát triển kinh tế quốc gia, đáp ứng kịp thời lao động tri thức, tạo sự đồng bộ cho kinh tế phát triển (chính sách kinh tế quốc gia do một trong hai bộ ngân khố hay tài chánh chịu trách nhiệm, tùy theo sự phân bổ của mỗi quốc gia ). Ngoài sự liên hệ chặt chẻ hai bộ ngân khố và tài chánh, bộ giáo dục còn phải theo dõi, tiếp cận với bộ phát triển thương mại, kỹ nghệ nhằm cung ứng chuyên viên trung, cao cấp cho nhu cầu phát triển kinh tế quốc gia.

Giả dụ, theo như chính sách công nghiệp hóa hiện đại hóa của Việt Nam trong đó có chủ trương khai thác quặng mỏ Bauxite, đường sắt cao tốc, nhà máy điện hạt nhân... dự kiến sẽ thực hiện, đưa vào sử dụng trong vòng hai năm, bốn năm hoặc mười năm tới. Nhiệm vụ của bộ giáo dục là huấn luyện đào tạo nhân sự “lao động trí óc” gồm các chuyên viên trung, cao cấp, kỹ sư các loại... đáp ứng kế hoạch, mục tiêu phát triển kinh tế quốc gia đề ra. Thế nhưng, kế hoạch đào tạo nhân sự lại gặp phải trở ngại vì không đủ tuyển sinh để đào tạo chuyên viên cho nhu cầu phát triển khai thác quặng mỏ Bauxite, đuờng sắt cao tốc, nhà máy điện hạt nhân. Trong trường hợp này, lãnh đạo ngành giáo dục phải phát huy sáng kiến, khẳng định tài năng lãnh đạo, đáp ứng nhu cầu nhân sự cho phát triển kinh tế quốc gia.

Thông thường các nước tiên tiến có hệ thống tuyển chọn sinh viên được xác lập theo thứ tự giả định như sau:

1) Từ hạng nhất đến hạng mười lăm được vào học đại học:hạng nhất được học ngành Y; hạng nhì được học ngành Nha; hạng ba được học ngành Dược; hạng tư được học ngành Kiến trúc; hạng năm được học ngành cơ khí; hạng sáu được học ngành điện tử..........

2) Từ hạng mười sáu trở lên được vào trường cao đẳng, trường trung cấp kỹ thuật,trường huấn nghệ..v.v..
Mặc dù vậy, hệ thống tuyển sinh này không phải là một mức chuẩn không thay đổi, nó rất uyển chuyển và luôn thay đổi để phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế của quốc gia nên có khả năng đáp ứng được chính sách công nghiệp hóa hiện đại hóa như mục tiêu của Việt Nam đã nêu trên.

Theo hệ thống tuyển sinh đã dẫn, hạng sáu mới đủ điểm học ngành điện tử nhưng vì nhu cầu phát triển thương mãi, công nghiệp hóa hiện đại hóa cần nhiều chuyên viên điện tử, tin học trong vài năm tới. Thế là bộ giáo dục đổi chuẩn tuyển sinh thay vì hạng sáu, được hạ xuống hạng mười tức từ hạng nhất đến hạng mười đều đủ điều kiện để theo học ngành điện tử. Phương pháp tuyển sinh uyển chuyển này sẽ thu hút sinh viên theo học hầu đáp ứng chuyên viên điện tử, tin học cho mục tiêu phát triển kinh tế trong tương lai.

Bên cạnh đó, để giảm chuyên viên thặng dư, theo như bảng chuẩn tuyển sinh thì hạng ba mới được học dược nhưng vì có nhiều người thất nghiệp, tốt nghiệp đại học dược nhưng không tìm được việc làm tức đã dư thừa Dược Sĩ. Thế là bộ giáo dục thay đổi chuẩn từ hạng ba lên hạng nhất mới được học dược, thậm chí không được vô thẳng ngành dược mà phải học một ngành bắt buộc nào đó và phải đủ điểm qui định tối thiểu thì mới được vô học dược hầu giải quyết số thặng dư còn tồn động. Chính động thái thay đổi tiêu chuẩn tuyển sinh là hướng các cá nhân yêu thích học dược, theo học các ngành cần cho phát triển kinh tế trong tương lai.

Với phương thức uyển chuyển trong tuyển sinh đào tạo, huấn luyện, cùng với sự phối hợp, hổ trợ của các bộ ngân khố, bộ tài chánh, bộ phát triển thương mại, kỹ nghệ... nên bộ giáo dục rất hiệu quả trong việc điều phối, cung ứng kịp thời các trí thức tinh hoa, chuyên viên trung, cao cấp tức nhân sự lao động trí óc cho nhu cầu phát triển kinh tế tri thức của quốc gia và hiệu quả của nó chính là sự phối hợp cách khoa học của các hệ thống tổ chức này.

Nhìn lại Việt Nam mọi người đều thấy, hệ thống giáo dục của nước CHXHCN Việt Nam lạc hậu, kém hiệu quả, biết bao nhiêu người tốt nghiệp đại học không tìm được việc làm, bao nhiêu người có trình độ cao đẳng, đại học nhưng ngành nghề chuyên môn của họ không đáp ứng được nhu cầu, mục tiêu công nghiệp hóa hiện đại hóa của nhà nước. Thế cho nên thành phần được đào tạo cho mục tiêu lao động tri thức đã phải lao động chân tay trong các hảng xưởng giày da may mặc cùng với những công việc không dính dánh gì đến chuyên môn đã được huấn luyện, đào tạo. Không những thế, họ còn bị nhồi nhét những thứ vô bổ, chiếm khá nhiều thời giờ của sinh viên như triết học Marx- Lenin, tư tưởng Stalin, Mao, Hồ và lịch sử đảng cộng sản nên năng lực kém xa chuẩn quốc tế và bằng cấp không được quốc tế công nhận. Thậm chí những thứ bị nhồi nhét đó không giúp ích gì cho phát triển quốc gia, những thứ đất nước cần là khoa học kỹ thuật,những cán sự, chuyên viên có kỹ năng cao, có tinh thần Việt khát khao đóng góp,xây dựng đưa đất nước Việt Nam lên ngang tầm thời đại.

Chính sách giáo dục đó đã thất bại, đã phí phạm quá nhiều tiền của, tài năng, tinh hoa của dân tộc, mỗi tấm bằng đại học là số tiền lớn, là mồ hôi công sức,là kỳ vọng của một thế hệ người, đôi khi của cả gia đình. Thế có nên nhắm mắt bịt tai đi tới bất chấp thế giới chung quanh đã đạt hiệu quả, đã tiến lên hùng cường thịnh vượng nhờ vào các hệ thống tổ chức khoa học, hiệu quả cho phát triển quốc gia ?

Le Nguyen (danlambao)

Không có nhận xét nào: