Pages

Thứ Tư, 13 tháng 7, 2011

ĐIỀU GÌ ĐANG THỰC SỰ XẢY RA

Tờ Thời báo Nhật Bản số ra ngày 29/6 đã đăng bài phân tích của tác giả Mark Valencia, một chuyên gia phân tích chính sách hàng hải và là cựu nghiên cứu sinh cao cấp tại Trung tâm Đông-Tây, về vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước láng giềng. Dưới đây là nội dung bài viết này:

Sau một loạt các vụ gây hấn liên quan tới các tàu tuần tra của Trung Quốc và các tuyên bố chính thức sau đó, nhiều nhà phân tích đang cố gắng luận giải điều gì đang thực sự diễn ra ở Biển Đông.


Các câu hỏi cụ thể hơn là: Vì sao các phái khác nhau trong Chính phủ Trung Quốc lại phát đi các tín hiệu khác nhau và gây rắc rối cho các nhà lãnh đạo của họ, làm suy yếu nỗ lực “tấn công lôi kéo” được xây dựng một cách thận trọng và tương đối thành công của Trung Quốc đối với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đồng thời tạo thuận lợi cho chiến lược của Mỹ nhằm thuyết phục các nước ASEAN rằng họ cần sự bảo vệ của Mỹ trước mọt Trung Quốc đang bắt nạt các nước này. Ở Trung Quốc, liệu “con tàu chính trị” đã rời ga và vì vậy, có phải các quốc gia ASEAN chỉ đang thay đổi ghế hoặc toa tàu trên chuyến tàu này hay không?

Chúng ta không chỉ đề cập ở đây về hành vi vi phạm rõ ràng Tuyên bố chung về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) đã được nhất trí một cách chính thức mà còn về hành vi mâu thuẫn với những lời nói của các nhà lãnh đạo thông qua các hành động được lập trình sai thời điểm. Khi Tướng Lương Quang Liệt, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, phát biểu tại diễn đàn Đối thoại Shangri-la ở Xinhgapo ngày 3/6 rằng “Trung Quốc cam kết duy trì hoà bình và ổn định trên Biển Đông” và rằng “Trung Quốc tuân thủ DOC”, các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin vào ngày 26/5, một tàu thăm dò của Việt Nam hoạt động trên thềm lục đại mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền đã bị một tàu tuần tra của Trung Quốc cắt cáp thăm dò địa chấn.

Ngay sau sự cố đó, Trung Quốc đã cử hai phó tịch của Quân uỷ Trung ương tới Đông Nam Á để cố gắng tái khẳng định với các nước tuyên bố chủ quyền khác của ASEAN. Tuy nhiên, sự cố tương tự thứ hai đã xảy ra vào ngày 9/6, chỉ 2 tuần sau đó.

Trước đó, ngày 4/3, Philippin đã phản đối sự cố ở Reed Bank (Bãi Cỏ Rong), theo đó hai tàu tuần tra của Trung Quốc đã doạ đâm thủng một tàu thăm dò của Philippin.

Sau chuyến thăm của Tướng Lương tới Manila, các máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã quấy rối các binh sĩ của Lực lượng Vũ trang Philippin gần các hòn đảo tranh chấp trên Biển Đông.

Trung Quốc đã đáp lại sự phản đối quyết liệt của Việt Nam và Philippin rằng bất cứ hoạt động thăm dò nào ở khu vực Trường Sa mà không có sự đồng ý của nước này đều vi phạm quyền thực thi pháp lý và chủ quyền của nước này. Mối liên hệ thực sự giữa quan điểm cứng nhắc và có ảnh hưởng lớn của Trung Quốc với sự thi hành pháp lý của nước này đã gây lo lắng cho các nước ASEAN tuyên bố chủ quyền ở khu vực này và thu hút sự chú ý của Mỹ. Các tranh chấp này và các sự cố như vậy không có gì mới nhưng vì sao chúng lại đang xảy ra tại thời điểm hiện nay và vì sao Trung Quốc lại đang phát đi các tín hiệu rất mâu thuẫn?

Bất chấp những tuyên bố hoa mỹ của Trung Quốc, các quốc gia ASEAN thực sự đang cảnh giác và hướng tới Mỹ để tìm sự ủng hộ và hỗ trợ. Mỹ, nước đang đối đầu với Trung Quốc và can dự vào vấn đề này thông qua phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) ở Hà Nội tháng 7/2010, rất vui lòng để giúp đỡ, ít nhất là bằng lời nói và các tín hiệu mà các lực lượng quân sự hiểu được.

Điều trớ trêu lớn nhất là những lời nói và tín hiệu này không cần cho Trung Quốc. Vấn đề của nước này với Mỹ và ngược lại liên quan tới các hoạt động thu thập tin tức tình báo của các tàu và máy bay quân sự Mỹ như EP-3, Impeccable, Victorious và Bowditch ở khu vực mà Trung Quốc tuyên bố là lãnh hải của mình chứ không phải các tuyên bố chủ quyền đầy mâu thuẫn đối với các hòn đảo hay không gian trên biển. Những điều này chỉ có thể được kết nối trong kịch bản xấu nhất đó là: Trung Quốc đã quyết định rằng nước này không nhất trí với nhiều nội dung trong Công ước của Liên Hợp Quốc (LHQ) về Luật biển mà nước này đã phê chuẩn, và với luật pháp quốc tế mà các cường quốc phương Tây xây dựng và áp đặt lên Trung Quốc khi nước này còn yếu, và rằng hiện nay, nước này sẽ chỉnh sửa lại hệ thống luật pháp quốc tế.

Nói cách khác, Trung QUốc thực sự nghiêm túc và tuyên bố chủ quyền đường 9 đoạn đối với tất cả vùng biển và tài nguyên của Biển Đông và nước này sẽ quyết định cơ chế quản lý việc đi lại sẽ được áp đặt tại đó.

Đây là một quan điểm cực đoan và có thể dẫn tới chiến tranh. Mặt khác, Trung Quốc có thể tuyên bố phần lớn những gì nước này muốn bằng cách sử dụng luật pháp quốc tế hiện hành và Công ước của LHQ về Luật biển. Nước này có thể đòi hỏi các đặc tính này và đối với các hòn đảo hợp pháp, thềm lục địa và khu đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý cho mỗi hòn đảo này. Tất nhiên, nước này sẽ phải thương lượng về biên giới các nước tuyên bố chủ quyền khác.

Tuy nhiên, đó là tình hình hiện nay và vị thế pháp lý của Trung Quốc hiện rất yêu. Khu vực được tuyên bố chủ quyền sẽ gần giống với khu vực nằm trong đường 9 đoạn và luận cứ này sẽ là hợp pháp – được ủng hộ bởi công ước trên.

Liên quan tới các vấn đề hàng hải với Mỹ, Oasinton vẫn chưa phê chuẩn công ước trên và có rất ít tính hợp pháp trong việc tranh luận hoặc diễn giản trên cơ sở công ước này. Mỹ sẽ bị nhiều người coi là “kẻ bắt nạt” nếu nước này cố gắng áp đặt cách hiểu của mình đối với thế giới.

Vấn đề hóc búa đó là Trung Quốc có các chuyên gia am hiểu Luật biển, những người hiểu rõ về cơ hội này, nhưng có vẻ như Trung Quốc vẫn tránh sử dụng phương án đó.

Có thể chiến lược và chiến thuật của Mỹ khiến một phần ban lãnh đạo quân đội Trung Quốc tức giận. Có thể họ đã kết luận trên cơ sở cái mà họ cho là chính sách “kiềm chế” của Mỹ và các hoạt động thu thập thông tin tích cực và không ngừng của các tàu và máy báy tình báo công nghệ cao của Mỹ rằng chiến tranh là không thể tránh khỏi. Trong kịch bản này, Trung Quốc cảm thấy nước này cần phải bảo vệ điểm yếu của mình và mở rộng “khu vực” phòng vệ của nước này càng xa về phía Nam và theo hướng biển càng tốt.

Tất nhiên, đây là hành động “rút phép thông công” đối với Mỹ, nhất là hải quân nước này. Trong trường hợp này, DOC hay thậm chí là một công ước có rất ít tác dụng. Chúng ta hãy cùng hy vọng rằng cách giải thích chính xác sẽ bớt nghiêm trọng hơn. Một khả năng đó là sự rối loạn và thiếu sự phối hợp giữa các quan chức cao cấp phụ trách chính sách đối ngoại và quân đội, nhất là Lực lượng Hải quân của PLA. Tuy nhiên, điều này cũng có thể đồng nghĩa với việc chính sách ngoại giao của Trung Quốc về vấn đề này đang bị xáo trộn hoặc bị thay đổi và Hải quân PLA đang nổi lên như một đối tượng xác định xu hướng và người phát ngôn chính thức.

Cần nhớ rằng khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates có chuyến thăm lịch sử tới Trung Quốc hồi tháng 1/2011, quân đội nước này đã thử nghiệm máy bay chiến đấu tàng hình và có vẻ như ban lãnh đạo dân sự của nước này đã bị bất ngờ trước hành động trên.

Nếu quân đội thỉnh thoảng hành động một cách độc lập với ban lãnh đạo dân sự, điều này có thể lý giải cho sự khác biệt trong lời nói của các quan chức Trung Quốc và các hành động của Hải quân PLA. Tuy nhiên, điều này sẽ thực sự gây lo ngại.

Trong bất cứ trường hợp nào, tình hình có thể sẽ xấu đi trước khi có thể cải thiện trở lại. Có thêm nhiều cuộc điều tra và khoan thăm dò được lên kế hoạch ở các khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Việt Nam tiến hành một cuộc diễn tập bắn đạn thật và kêu gọi cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ, giúp đỡ giải quyết các vấn đề này. Các cuộc biểu tình chống Trung Quốc hiếm thấy đã nổ ra ở Hà Nội và Manila. Tại thời điểm này, tất cả nhữgn gì có thể nói đó là cần sẵn sàng cho một sự bất ngờ có thể xảy ra.

*

* *

(Đài Ôxtrâylia 29/6)

Sự xung đột trong tuyên bố về chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông, nơi có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt dồi dào, giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực đang làm gia tăng nguy cơ có thể dẫn tới chiến tranh tại vùng biển châu Á này.

Căng thẳng gia tăng trên biển liên quan đến Trung Quốc và các nước láng giềng có thể dẫn tới chiến tranh nếu như nó không được giải quyết ổn thoả. Đây là kết luận trong một báo cáo mới công bố hôm 28/6 của Viện Lowy, Ôxtrâylia. Bản báo cáo có tựa đề ‘Khủng hoảng và niềm tin: các cường quốc chính và vấn đề an ninh hàng hải ở châu Á-Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương’. Báo cáo này dựa trên những tham vấn với các chuyên gia an ninh tại Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ và Ấn Độ.

Nguy cơ xảy ra chiến tranh?

Những căng thẳng chủ yếu diễn ra tại các vùng biển mà Trung Quốc gọi là Đông Hải và Nam Hải (Việt Nam gọi là Biển Đông còn Philippin gọi là Biển Tây Philippin). Đặc biệt, Biển Đông đang trở thành một điểm nóng vì Trung Quốc, Việt Nam, Philippin, Đài Loan, Brunây và Malaixia cùng tuyên bố chủ quyền toàn bộ hoặc một phần lãnh hải đối với biển này.

Theo các tác giả của báo cáo này, những ngày xích mích giữa Trung Quốc với Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ rất dai dẳng và ngày càng tăng lên. Thêm vào đó, do nhu cầu về tài nguyên, Trung Quốc đang có thái độ ngày càng quyết liệt bằng các hành xử mà Viện Lowy nhận định là “đẩy rủi ro” của lực lượng quân sự nước này. Cho nên, khi số lượng và cường độ các biến cố ngày càng tăng tại các vùng biển trên thì khả năng về một kịch bản leo thang thành đối đầu vũ trang, khủng hoảng ngoại giao hoặc thậm chí là xung đột cũng gia tăng. Bản báo cáo viết: “Các tuyến đường biển ở Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương đang ngày càng trở nên đông đúc, có nhiều tranh chấp và dễ dẫn đến xung đột vũ trang. Các lực lượng hải quân và không quân đang được củng cố trong bối cảnh chuyển đổi cán cân chiến lược kinh tế”.

Ông Rory Medcalf, tác giả chính của bản báo cáo, nói với phóng viên Đài Ôxtrâylia (ABC): “Trong vài tháng qua đã xảy ra một loạt biến cố liên quan đến tàu của Trung Quốc, chủ yếu là gây ‘khó dễ’ cho tàu khảo sát của Việt Nam và Philippin tại các vùng biển và đảo tranh chấp. Một số biến cố này có nguy cơ dẫn tới xung đột vũ trang bởi thực tế đã có trường hợp Trung Quốc nổ sung vào tàu của Philippin”.

Theo ông Rory Medcalf, những đối đầu đang diễn ra đều có chủ định từ phía Trung Quốc nhằm phát đi tín hiệu về đòi hỏi của nước này đối với các vùng biển ở Biển Đông. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng có một nguy cơ mà Trung Quốc đánh giá thấp, đó là bất kỳ biến cố nào cũng đều có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát và dẫn tới xung đột vũ trang.

Ông Rory cho rằng Hải quân Trung Quốc ngày càng mạnh lên và đang hạn chế khả năng tiếp cận của Mỹ đối với các khu vực gần bờ biển Trung Quốc, và thậm chí sớm muộn là các vùng biển xung quanh Đài Loan. Ông cho rằng: “Vấn đề lớn ở đây là ý đồ. Chưa có gì rõ ràng chứng tỏ Trung Quốc có ý đồ quyết liệt hay gây hấn mạnh mẽ nhưng dường như có một số thế lực tại Trung Quốc, kể cả Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), đang đẩy ranh giới sự việc đi xa thêm. Họ đang có những hành động khiêu khích liên quan đến tranh chấp lãnh hải hoặc có những hành động mà tôi đoán rằng sẽ gửi tín hiệu tới Nhật Bản, Mỹ, Đông Nam Á và các nước khác rằng quyền lợi của Trung Quốc là không thể bị xem nhẹ. Cho nên đây là một tình thế rất đáng lo ngại”.

Viện Lowy cảnh báo rằng nếu có một cuộc chiến tranh xảy ra thì nó sẽ lan rộng khắp khu vực Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương và Mỹ cùng các cường quốc khác sẽ nhanh chóng bị cuốn vào.

Về khả năng Ôxtrâylia có thể phải can dự vào những căng thẳng đó, ông Rory cho rằng Ôxtrâylia rất quan tâm đến vấn đề này bởi tự do hàng hải ở Biển Đông rất quan trọng không chỉ với lực lượng hải quân Ôxtrâylia mà còn với hoạt động xuất khẩu của nước này tới Bắc Á. Thêm nữa, Ôxtrâylia cũng là một đồng mình của Mỹ cho nên nếu Mỹ có xung đột với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông thì rất nhiều khả năng Ôxtrâylia cũng phải tham gia và đứng về phía Mỹ.

Động thái của các nước

Theo các tác giả của bản báo cáo, Trung Quốc gây ra lo ngại tại Đông Nam Á bằng tuyên bố ‘lợi ích cốt lõi’ ở Biển Đông cũng như tại Ôxtrâylia về cách hành xử đối với vấn đề an ninh trong tương lai, trong khi khả năng cạnh tranh giữa Ấn Độ và Trung Quốc trên biển “chỉ còn là vấn đề thời gian”.

Nhiều nước Đông Nam Á, Nhật Bản, Hàn Quốc đều đang tìm kiếm và tăng cường quan hệ an ninh chặt chẽ hơn với Mỹ. Cho tới nay, Hải quân Mỹ vẫn được xem là lực lượng thống trị các vùng biển châu Á và mới đây nước này đã có chương trình tiến hành các hoạt động hải quân với Việt Nam và Philippin cũng như Ôxtrâylia.

Theo ông Rory, điều này có thể làm tăng xích mích giữa hai cường quốc lớn nhất hiện nay. Tuy nhiên, ông cho rằng sự việc sẽ còn xấu hơn nữa nếu các nước nhỏ cảm thấy bị Trung Quốc ‘ép’ và buộc phải tự hành động.

Trong tháng 6/2011, Trung Quốc đã cử tàu tuần tra dân sự lớn nhất tới Biển Đông. Ngày 27/6, Thượng viện Mỹ đã thông qua một nghị quyết hối thúc tìm kiếm một giải pháp hoà bình và đa phương cho các tranh chấp tại Biển Đông.

Thượng nghị sĩ Jim Webb, Chủ tịch Tiểu ban các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương thuộc Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, nói rằng “ngày càng có nhiều quốc gia xung quanh Biển Đông bày tỏ lo ngại về sự hăm doạ của Trung Quốc”.

Trước đó một ngày, hôm 26/6, Việt Nam và Trung Quốc đã ra thông cáo báo chí chung, trong đó hai bên khẳng định “giải quyết hoà bình các bất đồng trên biển giữa hai nước thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị; áp dụng các biện pháp có hiệu quả, cùng nhau duy trì hoà bình và ổn định tại Biển Đông; tăng cường định hướng đúng đắn dư luận, tránh những lời nói và hành động làm tổn hại đến tình hữu nghị và lòng tin của nhân dân hai nước; đẩy nhanh tiến độ đàm phán để sớm ký kết ‘Thoả thuận về các Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam-Trung Quốc’; thúc đẩy việc thực hiện ‘Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)’”.

Mới đây, chiến hạm HMNZS Te Mana thuộc lớp Anzac của Niu Dilân, với thủy thủ đoàn 148 người và 27 sỹ quan đã tới Thành phố Hồ Chí Minh, bắt đầu chuyến thăm kéo dài năm ngày nhằm thúc đẩy quan hệ giữa hải quân hai nước.

Trong một diễn biến khác, truyền thông Ấn Độ cho hay Phó Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, Tư lệnh Hải quân, đồng thời là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, đang có chuyến thăm một số thành phố của Ấn Độ, gặp gỡ Đô đốc Nirmal Verma, Bộ trưởng Quốc phòng A.K. Antony, Tư lệnh Không quân P.V. Naik và Tổng Tư lệnh quân đội V.K. Singh. Chuyến thăm được tuyên bố là nhằm mục đích tìm hiểu thêm về khả năng hợp tác hải quân giữa hai bên, trong đó có lĩnh vực đóng tàu./.

Không có nhận xét nào: