Pages

Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2011

Khi học giả quốc tế ‘chỉnh huấn’ Trung Quốc về biển Ðông

* Hoàng Phương

(Nguồn: Thông Luận)

“Nghe phần trình bày của GS Tô Hạo, tôi mới thấy rõ một điều, Trung Quốc và ASEAN khác nhau về phong cách”, TS Termsak Chalermpalanupap, giám đốc ban an ninh chính trị thuộc ban thư ký ASEAN nhận xét.

Bản đồ biển Ðông và vị trí lúc tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02 của Việt Nam. (Hình: tuoitredatquang.com)

Dừng một chút, ông tấn công: “Các nước ASEAN thì nói và nói (talk and talk) còn Trung Quốc thì miệng nói và tay làm (talk and take)”.

Một phóng viên nước ngoài đã nhận xét, có lẽ vì vấn đề biển Ðông nên thu hút rất đông học giả và chính khách tên tuổi đến dự hội thảo về an ninh hàng hải tại biển Ðông do CSIS tổ chức. Căn phòng chật kín đến mức TS Termsak Chalermpalanupap phải ngạc nhiên và nghiệm ra độ nóng của vấn đề biển Ðông.

Ngày thảo luận đầu tiên 20 tháng 6 (giờ Washington) căng và nóng rẫy sau phần tham luận trình bày quan điểm và chủ trương của Trung Quốc ở biển Ðông của GS Tô Hạo đến từ ÐH Ngoại Giao Trung Quốc.

Chất vấn và chỉnh huấn, có vẻ đó là những gì các học giả và chính khánh quốc tế tại hội thảo đã làm với vị giáo sư Trung Quốc và những đồng sự của ông. Ðã có lúc, TS Tô Hạo phải kêu lên: “tôi không phải là người phát ngôn của Trung Quốc”.

Ai sợ ai?

Trong bài phát biểu của mình, GS Tô Hạo cho rằng, chính hành động của các nước trong khu vực đã làm cho Trung Quốc “sợ” (scared).

“Một vài nước nói rằng Trung Quốc những năm gần đây có thái độ quá mạnh đối với vấn đề biển Ðông, nhưng tôi tin là lý do Trung Quốc có thái độ quyết đoán như vậy bởi một vài nước đã có những phản ứng quá mạnh đối với những gì đang xảy ra chống lại Trung Quốc. Ðó là lý do làm cho Trung Quốc sợ và làm cho chúng tôi phải nói gì đó để bảo vệ chủ quyền đối với biển Ðông”.

Ðến từ Viện Nghiên Cứu Brookings, TS Tạ Tuấn đặt câu hỏi, “hành động nào của láng giềng khiến Trung Quốc sợ? Là hoạt động đánh bắt cá của ngư dân Việt Nam và Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở được công nhận bởi Công ước Luật biển quốc tế 1982 của mỗi nước chăng? Là hoạt động thăm dò của công ty dầu khí cũng trong vùng đặc quyền kinh tế ấy mà Trung Quốc đã cho tàu hải giám (tàu quân sự cải hoán) cắt cáp chăng?

Không chỉ ra được hành động nào, vị GS Trung Quốc phân bua: “Không hẳn là sợ... Nhưng cá nhân tôi lo ngại. Rõ ràng, những năm trước, có rất nhiều hoạt động hợp tác giữa Trung Quốc và các nước ở biển Ðông. Một năm trở lại đây, căng thẳng gia tăng...

Vì sao căng thẳng gia tăng một năm trở lại đây? Câu hỏi của ông Tô Hạo đã được hầu hết các học giả tại diễn đàn này chỉ ra. Thỏa thuận về các nguyên tắc ứng xử trên biển Ðông đã không thể ngăn được leo thang tranh chấp, không ngăn được hành động gây hấn của Trung Quốc. Hơn nữa, như TNS Mỹ John McCain chỉ ra, các hành động này dựa trên “các quyền tự phong” của Trung Quốc.

Ðiều đáng nói, như TS Termsak Chalermpalanupap lưu ý, khi chiến hạm Mỹ đi qua đường chữ U để vào Ðà Nẵng thì Trung Quốc không lên tiếng phản đối, nhưng khi ngư dân Việt Nam hay các tàu của VietNamPetro hoạt động ở khu vực này thì gặp những phiền nhiễu do phía Trung Quốc gây nên.

“Nghe phần trình bày của GS Tô Hạo, tôi mới thấy rõ một điều, Trung Quốc và ASEAN khác nhau về phong cách”, TS Termsak Chalermpalanupap, giám đốc ban an ninh chính trị thuộc ban thư ký ASEAN nhận xét.

Dừng một chút, ông tấn công: “Các nước ASEAN thì nói và nói (talk and talk) còn Trung Quốc thì miệng nói và tay làm (talk and take)”.

Giáo sư Peter Dutton thuộc Ðại học Hải quân Mỹ chia sẻ, “nếu tôi là các nước ASEAN, tôi sẽ rất lo lắng”.

“Theo tôi biết, Trung Quốc đề xuất thương lượng với ASEAN, rằng cùng hợp tác, lo phát triển kinh tế, và chấp nhận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Ðó là cuộc thương lượng tồi, bởi lẽ ASEAN sẽ phải hy sinh lợi ích lâu dài để đổi lại lợi ích thương mại ngắn hạn với Trung Quốc”.

“Tại sao Trung Quốc quyết tâm thực hiện kiểm soát biển Ðông và các nguồn tài nguyên của nó?”, TS Peter Dutton nêu câu hỏi trong khi chính học giả Trung Quốc lại thắc mắc với học giả Việt Nam, tại sao các sự kiện giữa tàu Trung Quốc và tàu thăm dò của Việt Nam lại xảy ra vào thời điểm này.

“Ðây cũng là câu hỏi của chúng tôi. Tại sao tàu Trung Quốc lại cắt cáp tàu thăm dò của Việt Nam vào thời điểm ngay trước khi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng như Hội nghị Shangri-la”, TS Trần Trường Thủy, Học Viện Ngoại Giao Việt Nam đáp lời.

Bà Bonner Glaser, giám đốc Ban Trung Quốc của CSIS nhắc lại việc Trung Quốc vi phạm tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Ðông (DOC) như dựng cột mốc chủ quyền trên các bãi đá ngầm ở Amy Douglas Bank thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và cắt dây cáp thăm dò dầu khí thuộc tàu Bình Minh 2 và tàu Viking của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, khu vực trước đây chưa hề bị tranh chấp.

Theo bà, những diễn tiến xảy ra tại biển Ðông gắn chặt với các vấn đề nội bộ của Trung Quốc, nơi mà chủ nghĩa quốc gia đã đi hơi quá đà, đặt ra thách thức cho giới lãnh đạo Bắc Kinh trong thời điểm nhạy cảm khi Trung Quốc đang bước vào giai đoạn chuyển giao lãnh đạo.

Trước đó, dẫn lại lời của GS Tô Hạo, “chủ quyền là lợi ích quốc gia mà một chính thể không thể từ bỏ, nếu muốn tồn tại”, một học giả đến từ Philippines đưa ra nghi vấn, phải chăng, có quá nhiều vấn đề chính trị nội bộ của Trung Quốc trong vấn đề biển Ðông.

Hơn nữa, “Trung Quốc chưa thu được giọt dầu nào từ biển Ðông, trong khi nhiều nước ASEAN như Việt Nam, Philippines đã khai thác được dầu khí. Chúng tôi đòi chia sẻ lợi ích công bằng”, GS Tô Hạo nói.



“Ðường lưỡi bò - một yêu sách tham lam, thiếu căn cứ”



“Vấn đề là Trung Quốc yêu sách tất cả”, học giả đại diện cho ASEAN, TS Termsak Chalermpalanupap lên tiếng. “Vì yêu sách này, Trung Quốc đã tạo chồng lấn với các nước thành viên ASEAN, và đó là lý do Trung Quốc luôn muốn tiếp cận song phương”, ông nói.

Các học giả đều chia sẻ quan điểm rằng Trung Quốc đang “yêu sách tham lam, thiếu căn cứ” với bản đồ 9 đoạn hình chữ U mới được trình lên LHQ cách đây chưa lâu.

Với yêu sách đường chữ U, Trung Quốc thực sự đòi bao nhiêu trên biển Ðông? Tất cả biển Ðông chăng? Bản đồ 9 đoạn hình chữ U thực chất thể hiện điều gì, và dựa trên cơ sở nào, rất nhiều học giả nêu câu hỏi.

Khẳng định “không phải Trung Quốc đòi hỏi toàn bộ biển Ðông”, thế nhưng GS Tô Hạo cũng không lý giải được nguồn cơn của đường chữ U. “Ðây là vấn đề phức tạp.”

Ông đã viện dẫn “di sản lịch sử” để biện minh cho đường chữ U, rằng đó là di sản lịch sử sau Chiến tranh thế giới thứ 2, là di sản của thời Tống để lại...

Giám đốc Ủy Ban Pháp Quyền Ðại Dương của Mỹ, Caitlyn Antrim, khẳng định đường chữ U không có cơ sở theo luật quốc tế bởi cơ sở lịch sử là rất yếu và rất khó bảo vệ.

“Tôi không hiểu Trung Quốc tuyên bố cái gì trong đường chữ U đó. Nếu họ tuyên bố chủ quyền với các đảo do đường ấy bao quanh, thì câu hỏi đặt ra là họ có chứng minh được chủ quyền với các đảo đó hay không. Nếu Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền với các đảo từ 500 năm trước, nhưng sau đó lại bỏ trống thì tuyên bố chủ quyền trở nên rất yếu. Ðối với các đảo không có cư dân sinh sống thì họ chỉ có thể tuyên bố lãnh hải, chứ không thể tính vùng đặc quyền kinh tế từ các đảo đó”, bà Caitlyn Antrim nói.

Không đồng tình với cách giải thích của Trung Quốc về ý nghĩa của đường lưỡi bò liên quan tới lịch sử, TS Peter Dutt nói: “Về quyền tài phán đối với các vùng biển, lịch sử không liên quan gì cả, mà phải tuân theo UNCLOS... Việc dùng lịch sử để giải thích chủ quyền làm xói mòn các quy tắc của UNCLOS”.

Giáo Sư Carl Thayer từ Học Viện Quốc Phòng Australia nói rằng việc học giả Trung Quốc sử dụng “di sản lịch sử” để giải thích về tuyên bố chủ quyền một lần nữa bộc lộ việc thiếu cơ sở pháp lý theo luật quốc tế trong tuyên bố chủ quyền này.

“Trung Quốc yêu sách đường chữ U nhưng lại không rõ thực ra đường chữ U thể hiện điều gì. Trung Quốc nói quan hệ bạn bè, thực ra cũng không biết có phải là bạn hay không. Giống như anh vừa giơ tay ra bắt, vừa cướp thức ăn trên tay bạn”, một học giả Philippines nói. “Nếu Trung Quốc đã tự tin như vậy về cơ sở cho yêu sách của mình, sao lại phản đối sự tham gia của bên thứ ba trong việc giải quyết vấn đề? Hiện có nhiều cơ chế theo UNCLOS hay ICJ...

Chia sẻ góc nhìn này, một học giả gốc Việt đang sống tại Mỹ nói, sao Trung Quốc lại khăng khăng đòi giải quyết song phương với các nước nhỏ? Ðể Trung Quốc dễ bề “chia rẽ các nước ASEAN, để các nước đối đầu với nhau” như nhận định của TNS John McCain chăng?



Hành xử trách nhiệm?



Học giả Trung Quốc luôn khẳng định, Trung Quốc “hành xử trách nhiệm”, “hành xử theo luật và các quy chuẩn quốc tế”, vì “hình ảnh quốc gia”. Trung Quốc luôn “cố gắng hạ nhiệt để giảm căng thẳng”, “sẵn sàng chia sẻ lợi ích trên biển Ðông”.

“Nghe Trung Quốc nói về chính sách, nước nào cũng thấy vui, nhưng hy vọng, Trung Quốc thực hành những gì mình nói”, TS Ðặng Ðình Quý, giám đốc Học Viện Ngoại Giao Việt Nam dẫn lại phát biểu của một quan chức ASEAN. Ðáng tiếc “vẫn tồn tại khoảng cách giữa lời nói và việc làm của Trung Quốc, và khoảng cách ấy đang lớn lên”.

Thiện chí hợp tác của Trung Quốc đến đâu, cứ nhìn quá trình chuyển từ tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Ðông DOC, mang tính cam kết chính trị, sang bộ quy tắc ứng xử trên biển Ðông COC mang tính ràng buộc pháp lý cao là thấy.

ASEAN đã rất nỗ lực để đạt đồng thuận trong vấn đề COC, TS Termsak Chalermpalanupap cho hay.

Gần 10 năm trước, khi bàn về DOC, chính các nước ASEAN đã không thể thống nhất được phạm vi điều chỉnh của các quy tắc ứng xử, đành chấp nhận một giải pháp tình thế, không nhắc đến trong văn bản.

“Lúc này, tất cả các thành viên ASEAN đã sẵn sàng thảo luận về phạm vi điều chỉnh của bộ quy tắc ứng xử trên biển Ðông COC”, vượt qua trở ngại cũ.

20 lần, các nước ASEAN đã thống nhất được đề nghị về COC để đưa ra bàn với Trung Quốc. Và cả 20 lần, Trung Quốc đều bác bỏ. Tuần qua, ASEAN lại vừa họp, và bản đề nghị thứ 21 đã hình thành.

“Trung Quốc đang gây khó khăn trong đàm phán về quy tắc ứng xử”, vị học giả đại diện cho ASEAN nói.

“Muốn giải quyết vấn đề biển Ðông, trước hết, Trung Quốc phải thay đổi quan điểm của mình”, một học giả nói.

Muốn “giữ hình ảnh quốc gia”, Trung Quốc sẽ không được quên, thế giới đang nhìn vào hành xử của nước này ở biển Ðông.

“Thái độ hành xử của Trung Quốc ở biển Ðông giúp Ấn Ðộ hiểu được thái độ và hành xử mà Trung Quốc có thể áp dụng với nước láng giềng Ấn Ðộ và với biển Ấn Ðộ Dương”, ông Amer Latif, thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế Ấn Ðộ nói.

Tại hội thảo, có học giả đã lạc quan hy vọng, GS Tô Hạo và các đồng nghiệp của ông sẽ “thay đổi cách nhìn về biển Ðông” bằng cách lắng nghe các nước. Và sự thay đổi nhận thức từ những học giả lớn của Trung Quốc sẽ lan tỏa đến chính sách.

Còn giám đốc Học Viện Ngoại Giao Việt Nam nhắn nhủ tới đồng nghiệp Trung Quốc, có lẽ, ông nên tới Hà Nội hay Manila, để nhìn chính sách của Trung Quốc theo cách khác.

Không có nhận xét nào: