Pages

Thứ Tư, 27 tháng 7, 2011

Kình chống chính trị có thể thay đổi giới lãnh đạo ở Việt Nam

Quốc hội Việt Nam đã tổ chức một cuộc bầu chọn các nhà lãnh đạo cấp cao nhất trong tuần này, mà một số quan sát viên đã nói có thể cung cấp một bước tiến tới cho một hệ thống chính trị lâu nay vẫn được coi là nặng phần nghi thức. Từ Hà Nội, thông tín viên VOA Marianne Brown ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.
Hình: AP
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (phải) .

Cơ quan lập pháp chính là Quốc Hội đã bỏ phiếu chọn hai đối thủ chính trị vào hai chức vụ cao nhất. Một là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người được bầu lại vào nhiệm kỳ 5 năm lần thứ nhì. Một ngày trước đó, đối thủ của ông là ông Trương Tấn Sang, nhân vật số 2 trong đảng Cộng sản, được bầu vào chức chủ tịch nước.

Một số quan sát viên cho rằng tuy ban lãnh đạo mới có phần chắc sẽ không mở màn cho một cuộc cách mạng trong hệ thống chính trị độc đảng, nhưng sự tranh đua giữa hai nhân vật vừa kể dù sao cũng có thể đánh dấu những thay đổi quan trọng.

Ngoài mặt sự tranh giành vào các chức vụ lãnh đạo ở nước Việt Nam cộng sản rất thầm lặng. Chỉ có một ứng viên cho mỗi chức vụ cao nhất.

Ông Hoàng Tư Duy, một thành viên của một nhóm chính trị tranh đấu cho dân chủ gọi là đảng Việt Tân bị cấm hoạt động, nói rằng mặc dầu các cuộc bầu cử phần lớn chỉ là một trò hề, chính phủ phải làm cho các cuộc bầu cử này mang tính chính đáng.

Ông Duy nói: “Điều đáng chú ý là chế độ phải bầy ra cái trò này bởi vì phải làm ra vẻ một chính phủ bình thường hoạt động theo các luật lệ với các giới chức công cử và họ làm như thế bởi vì họ phải làm việc với thế giới bên ngoài với các nhà đầu tư, nhưng phần nào cũng dành cho một cử tọa trong nước nữa.”

Ông Duy nói sự khác biệt giữa thực tế chính sự Việt Nam và bề mặt công khai là đặt áp lực lên Quốc hội phải hành xử như cơ quan cao nhất của nhân dân, như được mô tả trong hiến pháp.

Ông Martin Gainsborough thuộc trường Đại học Bristol nói rằng áp đặt các giá trị tự do lên tiến trình bầu cử là điều không thực tế. Ông Gainsborough nói những người đang nắm các chức vụ được coi như những người có tài thuộc các gia đình tốt có lý lịch tốt và họ không cần phải tự chứng minh dưới con mắt của quần chúng.

Ông Gainsborough nói: “Quốc hội có thể cũng được nhìn như thế, nghĩa là một sự xác nhận chính thức các ưu điểm của những người này, chứ không phải là một cuộc tranh cử mà ứng cử viên xuất sắc nhất sẽ thắng.”

Vào lúc mức lạm phát lên tới 22% trong vòng một năm và cộng đồng quốc tế tiếp tục bất bình về thành tích nhân quyền thảm hại của Việt Nam, các chính trị gia chắc chắn thấy rõ công tác của mình đã được xác định trong 5 năm sắp tới.

Trong nhiệm kỳ đầu làm thủ tướng, ông Dũng 61 tuổi đã phải đối mặt với một cuộc biểu quyết bất tín nhiệm tại Quốc Hội vì vụ sụp đổ công ty Vinashin, mà năm ngoái đã không trả được các khoản nợ lên tới 4,5 tỷ. Ông Dũng cũng bị luật sư nhân quyền Cù Huy Hà Vũ kiện về vụ các mỏ bauxite do Trung Quốc điều hành gây nhiều tranh cãi.

Tuy nhiên, ông Dũng là một nhà lãnh đạo có tài, theo nhận xét của ông Ernest Bower, chủ tịch Hội đồng Tư vấn về Sức Cạnh tranh cho Thủ tướng Việt Nam.

Ông Bower nói: “Tôi nghĩ ông Dũng có một lực hấp dẫn nào đó. Ông đã tỏ ra khá thận trọng trong việc tìm cách hướng dẫn công cuộc cải tổ kinh tế trong khuôn khổ một hệ thống mà một đường lối như vậy thường gây nghi kỵ giữa các đối thủ chính trị, do đó tôi cho rằng ông đã đạt được thành quả vừa phải trong nỗ lực đó.”

Trước khi diễn ra Đại hội Đảng, là lúc quyết định các chức vụ cấp cao nhất, ông Trương Tấn Sang đã cố gắng lấy chức của ông Dũng nhưng đã không thành công. Bất chấp sự kiện này, ông Bower nói ông không nghĩ rằng nó sẽ gây căng thẳng bởi vì họ đã cùng làm việc với nhau trước đây.

Ông Duy không đồng ý như thế. Ông nói các bất đồng có thể dẫn tới thêm tranh luận tại Quốc Hội. Ông nêu ra thí dụ việc Quốc hội bác bỏ một dự án tàu cao tốc trị giá 56 tỷ đôla từ Hà Nội đến thành phố Hồ Chí Minh vì tổn phí của dự án này.

Ông Duy nói: “Tôi nghĩ cuộc tranh luận sôi nổi chúng ta sẽ thấy ở Quốc Hội sẽ diễn ra vì một số lý do. Một trong các lý do là sự bất đồng trong bộ chính trị tràn qua Quốc Hội, chẳng hạn như trong vụ tầu cao tốc này.”

Ông Duy nói Quốc Hội chỉ cản trở đề nghị bởi vì bộ chính trị không đi đến được một quyết định về dự án tàu này. Sự cạnh tranh giữa các nhà lãnh đạo cấp cao nhất sẽ có nghĩa là những cuộc tranh luận thuộc loại này sẽ tiếp tục trong tương lai.

Ông Gainsborough cho rằng tuy hai ông có thể có các quan điểm khác nhau về những vấn đề chủ yếu, sự kiện này có phần chắc cũng không tạo ra được một sự thay đổi ngoạn mục nào trong việc lập chính sách. Ông nêu ra ví dụ là các cuộc thương nghị với Trung Quốc về việc tranh chấp chủ quyền trong vùng Biển Đông.

Sẽ không có “ngã rẽ nào trên con đường” cho Việt Nam trong vụ tranh chấp, theo ông Gainsborough, mặc dầu chính phủ đã bị chỉ trích về cách thức xử lý vấn đề từ phía nhiều nhân vật nổi tiếng trong quần chúng.

Ông Gainsborough cho biết: “Các nhân vật khác nhau có thể đem lại những thứ khác nhau đến bàn thương nghị khi bàn về mức độ nhưng nói chung Việt Nam không muốn có một quan hệ xấu và thù nghịch với Trung Quốc, đất nước to lớn ngay cạnh mình, nhưng rõ ràng Việt Nam muốn tìm ra những phương sách để tự chủ.”

Ông Gainsborough nói đặc trưng chính trị tại Việt Nam không phải là các nhân vật và sự tranh đua. Thay vì thế, bối cảnh được tạo dựng bởi các phe phái hợp nhất qua các quan hệ cá nhân hơn là chủ thuyết. Phục vụ trong chính phủ chủ yếu là xoay xở để nắm các chức vụ đằng sau các cấp lãnh đạo kỳ cựu.

Ông Gainsborough nói tiếp: “Động lực toàn bộ thúc đẩy chính trị ở Việt Nam là đặt mình vào vị thế để kiếm tiền qua nhiều phương tiện. Điều đó giải thích quá nhiều những gì đang diễn ra tại Việt Nam. Các chức vụ công cử là những con đường tiến thân cho cá nhân, đó là cách nhìn của người dân đối với chức vụ công cử. Nó không có nghĩa là mọi người trắng trợn bòn rút hệ thống, nhưng có một sự liên hệ chặt chẽ giữa tư lợi và việc nắm các chức vụ công cử.”

Liệu quan hệ giữa hai nhân vật vừa kể có xấu đi trong những tháng sắp tới hay không, theo các chuyên gia thì sự tranh đua giữa hai người khó lòng cách mạng hóa được bộ mặt của chính sự Việt Nam. Các chuyên gia nói rằng điều có nhiều phần chắc hơn sẽ thúc đẩy các thay đổi chính trị đáng kể là áp lực của quần chúng đòi cải tổ nền kinh tế èo uột đang đe dọa đẩy nhiều người hơn vào cảnh nghèo khó.

Nguồn VOA.

Không có nhận xét nào: