Pages

Chủ Nhật, 10 tháng 7, 2011

Nhìn người Ả Rập và nghĩ về mình

Nguyễn Gia Kiểng (eThongLuan) - "...Triết lý của kẻ sĩ, tiền thân của trí thức Việt Nam và Trung Quốc, chỉ giản dị là luồn lách để được vinh thân trong guồng máy chính quyền, dù là một chính quyền bạo ngược. Lý tưởng của kẻ sĩ không phải là để phục vụ cho xã hội mà chỉ là để phục vụ cho một chính quyền..."

Mọi nước Hồi Giáo trong vùng Bắc Phi và Trung Đông đều đang sôi sục. Các chế độ độc tài tại đây đang sống những ngày cuối cùng. Từ Ai Cập, Tunisia tới Libya, Maroc, Syria, Yemen, Jordan mỗi chế độ bị xô đẩy một cách khác nhau, nhưng nếu không để cho cây che khuất rừng chúng ta phải thấy chúng đều diễn biến theo cùng một kịch bản. Nhìn thấu đáo hơn nữa thì đó cũng sẽ và phải là kịch bản chung cho mọi chế độ độc tài còn lại.

Một cách tóm lược các chế độ độc tài Bắc Phi và Trung Đông đặt nền tảng trên Hồi Giáo. Trước đây trong cuộc chiến tranh lạnh mỗi nước vận dụng thế xung đột tư bản - cộng sản một cách khác nhau - sử dụng chiêu bài chống cộng, dựa vào khối cộng sản, hoặc bắt cá hai tay trong thế không liên kết - nhưng nền tảng vẫn là Hồi Giáo. Lý do chính khiến họ ít nhiều phải vận dụng cuộc tranh chấp dân chủ - cộng sản là vì Hồi Giáo, sau những thất bại đau đớn trước phương Tây từ thế kỷ 17, một mình nó không còn đủ sức thuyết phục và kết hợp nữa. Điều này có nghĩa là sau khi chủ nghĩa cộng sản bị lố bịch hóa và sụp đổ, và tư tưởng Hồi Giáo càng suy yếu nhanh chóng hơn do phong trào toàn cầu hóa, các chế độ này trở thành trần trụi về mặt tư tưởng chính trị.

Đó cũng là tình trạng chung của mọi chế độ độc tài còn lại. Một điểm nổi bật là từ sau khi bức tường Berlin sụp đổ các chế độ độc tài đều trở thành giống nhau, dù xuất phát từ những nguồn gốc khác nhau, dù là các chế độ cộng sản còn sót lại hay các chế độ độc tài cánh hữu vẫn có từ trước: chúng đều không dựa trên một ý thức hệ hay một lý tưởng nào cả, thậm chí không có ngay cả một ảo tưởng. Đây là một điểm quan trọng cần được nhấn mạnh.

Cho tới nay mọi chế độ chính trị đều nhân danh một ý thức hệ nào đó. Vai trò của ý thức hệ là tạo cho chế độ một lý do hiện hữu và do đó một tính chính đáng để thuyết phục quần chúng. Thuyết phục và khuất phục luôn luôn là đôi chân của mọi chế độ trong đó thuyết phục là cốt lõi, bạo lực chỉ dùng đến để khuất phục những phần tử không thể thuyết phục được. Các chế độ độc tài hậu cộng sản không có gì để thuyết phục nên chỉ đàn áp. Đó là những chế độ một chân, và một chân yếu. Chúng không thể đứng vững, chưa nói đứng lâu.

Tôi đã có dịp phân tích kịch bản đào thải tất yếu của các chế độ độc tài không ảo tưởng này. Tóm lược: đầu tiên là đảng cầm quyền bị phân hóa và mất dần thực chất để chỉ còn là một hư cấu; độc tài đảng trị dần dần nhường chỗ cho độc tài cá nhân. Kế tiếp là sự băng đảng hóa chính quyền, rồi sự phân hóa giàu nghèo tích lũy với các quyền lợi ngày càng tập trung vào một nhóm người. Sau cùng là xung đột không tránh khỏi giữa quân đội và công an. Theo một logic tự nhiên của các chế độ độc tài cá nhân, những tướng lãnh mờ nhạt được cắt đặt đứng đầu quân đội. Họ được chọn lựa vì không có khả năng và do đó không đe dọa lãnh tụ; nhưng cũng chính vì không có khả năng mà họ không kiểm soát được quân đội. Cuối cùng chế độ sụp đổ vì dân chúng phẫn nộ nổi dậy và quân đội không những không đàn áp mà còn không cho công an đàn áp. Đó là tiến trình bắt buộc. Tiến trình này còn được tăng cường và gia tốc bởi trào lưu toàn cầu hóa và sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông đại chúng khiến quần chúng vừa nhận diện được bản chất vô lý và thô bạo của chính quyền vừa có khả năng trao đổi và động viên nhau chống lại sự áp bức. Dưới những bề ngoài khác nhau đó đã là kịch bản đang diễn ra tại các nước Hồi Giáo.

Nếu ta nhìn kỹ thì tình hình Việt Nam cũng đang diễn tiến theo cùng một kịch bản. Quần chúng Việt Nam đã rất chín muồi cho dân chủ, hơn hẳn quần chúng Tunisia và Ai Cập. Họ muốn dân chủ và cũng dám khẳng định cộng khai là muốn dân chủ chứ không giấu giếm và sợ sệt như tại hai nước này mà tôi đã có dịp thăm viếng và quan sát. Chính quyền CSVN cũng tiến hóa đúng qui luật. Đại hội 11 vừa chứng tỏ đảng cộng sản chỉ còn là một hư cấu. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ chỉ có quyền lực hình thức, quyền lực thực sự sẽ ở trong tay thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: bộ chính trị và ban bí thư không còn kiểm soát được chính phủ mà trái lại sẽ còn bị chính phủ khống chế, trong khi chính phủ trở thành ban chấp hành của một một nhóm người mà quyền lợi và sự sống còn gắn liền với ông Nguyễn Tấn Dũng; đứng đầu quân đội là những tướng lãnh mờ nhạt phục tùng ông Dũng. Bất mãn và phẫn nộ sau cùng đã có một đối tượng tập trung là ông Nguyễn Tấn Dũng. Ông Dũng không quan tâm tới chủ nghĩa, phương pháp cai trị của ông chỉ giản dị là đàn áp và ông đang gia tăng đàn áp. Tất cả diễn biến đúng bài bản. Vậy thì cái gì xẩy ra tại các nước Bắc Phi và Trung Đông cũng sẽ xảy ra tại Việt Nam.

Vấn đề chỉ còn là bao giờ, nhưng đó cũng là câu hỏi quan trọng nhất và buộc chúng ta phải nhận diện những khác biệt giữa chúng ta và các nước này.

Một khác biệt là chính Đảng Cộng Sản Việt Nam, và khác biệt này có lợi cho tiến trình dân chủ hóa. ĐCSVN xuất phát từ chiến tranh giải phóng và giành được chính quyền nhờ hy sinh và đấu tranh gian khổ. So với các đảng cầm quyền tại các nước Hồi Giáo - có lẽ chỉ trừ trường hợp Algeria - nó có lịch sử hơn, có bề thế hơn và khó bị khống chế hơn trong tiến trình biến đổi không tránh khỏi từ độc tài đảng trị thành độc tài cá nhân. Thực tế là ông Nguyễn Tấn Dũng muốn nhưng đã không nắm được chức tổng bí thư đảng. Sự tranh chấp trong nội bộ đảng đã rất gay go. Một trường hợp điển hình đang diễn ra ngay trong lúc này là việc chỉ định thường trực ban bí thư. Ông Trương Tấn Sang sẽ rời chức vụ này để trở thành chủ tịch nước. Ông Dũng muốn đưa ông Lê Hồng Anh, người đứng đầu công an và cũng là cánh tay mặt của ông, lên thay thế. Sau đại hội 11, và như một thỏa hiệp để ông Nguyễn Phú Trọng lên làm tổng bí thư, vấn đề coi như đã giải quyết xong theo ý ông Dũng. Đến đầu tháng 6 người được coi như sẽ trở thành thường trực ban bí thư không còn là ông Lê Hồng Anh mà là ông Phạm Quang Nghị, thân với ông Trọng và phần nào với ông Sang. Đầu tháng 7 người đó lại là ông Lê Hồng Anh chứ không phải ông Phạm Quang Nghị nữa. Xung đột giữa ông Dũng và một bộ phận quan trọng trong đảng có thể sẽ dữ dội và làm sụp đổ chế độ sớm hơn. Không loại trừ một số đông đảo những người cộng sản sẽ chọn đứng hẳn vào hàng ngũ dân chủ thay vì phục tùng ông Dũng.

Nhưng khác biết quan trọng nhất là giữa văn hóa Khổng Giáo và văn hoá Hồi Giáo. Văn hóa Hồi Giáo là một văn hóa liên đới và chiến đấu trong khi Khổng Giáo là một văn hóa cô lập và phục tùng.

Trong lịch sử thế giới chưa có phong trào nào phát triển nhanh như Hồi Giáo. Xuất hiện đầu thế kỷ thứ 7 trên một vùng đất thưa thớt và cằn cỗi, Hồi Giáo đã chỉ cần một thế kỷ để đánh bật Thiên Chúa Giáo khỏi Bắc Phi, Trung Đông và cả Espana. Sau đó nó đã đánh bại các cuộc Thập Tự Chinh và bành trướng sang Châu Á, chinh phục Ấn Độ, Indonesia, có lúc cả nước Nga. Làn sóng chinh phục của Hồi Giáo đã chỉ khựng lại sau cuộc tấn công và phong tỏa thành phố Wien (Vienne), thủ đô nước Áo, năm 1683. Để có một ý niệm về sự bành trướng nhanh chóng của Hồi Giáo chúng ta nên biết rằng vào năm 805, nghĩa là chỉ 185 năm sau khi xuất hiện tại Saudi Arabia, một thánh đường Hồi giáo đã được dựng lên tại đảo Hải Nam, trong khi Thiên Chúa Giáo chỉ bắt đầu được truyèn sang Đông Á từ thế kỷ 16. Nhiều người Việt Nam thường nhìn Hồi Giáo như một tôn giáo xa lạ mà không biết răng Hồi Giáo đã là một yếu tố quan trọng tạo ra nước Việt Nam như ngày nay. Cuộc Nam Tiến đã dễ dàng và Chiêm Thành đã hội nhập vào Việt Nam vì vương quốc Chiêm Thành đã mất sức chiến đấu do mâu thuẫn tôn giáo từ thế kỷ 15 sau khi tuyệt đại đa số dân chúng đã theo Hồi Giáo trong khi vua và giai cấp thống trị vẫn theo Ấn Giáo. Sự phát triển của Hồi Giáo, chủ yếu một cách hòa bình tại Châu Á, là do sự quyến rũ của lý tưởng Hồi Giáo trong đó tinh thần liên đới và huynh đệ, mà Giêsu Kitô đã từng đề xướng, lần đầu tiên được thể hiện một cách cụ thể. Sự kiện Hồi Giáo không theo kịp được đà tiến hóa - do quá thỏa mãn vì đã vượt được Châu Âu trong một thời gian dài và không thấy nhu cầu đổi mới - không thể làm ta quên rằng Hồi Giáo đã ra đời như tiến bộ vượt bực về tư tưởng. Văn hóa mà nó truyền tải là một văn hóa chiến đấu, giải phóng và liên đới.

Văn hóa đó khác xa với văn hóa Khổng Giáo, một thứ văn hóa triệt thoái về cá nhân, chịu đựng và phục tùng. Một số thân hữu đã không hoàn toàn đồng ý với tôi rằng văn hoá Khổng Giáo là một thứ văn hóa nô lệ, nhưng quả thực là thế. Khổng Giáo dạy kẻ sĩ phải phục tùng không điều kiện kẻ cầm quyền, và dù đúng hay sai phài chấp nhận để bị nọc ra đánh, bị thiến, bị giết, thậm chí bị giết cả ba họ. Còn quá đáng hơn cả những chế độ nô lệ ở phương Tây trước đây. Văn hóa Khổng Giáo không hề có yếu tố chống bạo quyền và giải phóng xã hội. Những quan hệ giữa người và người trong Không Giáo - vua tôi, quan dân, thày trò, cha con, chồng vợ - đều là những quan hệ thống trị một chiều. Kẻ có quyền không hề có trách nhiệm với kẻ dưới quyền. Triết lý của kẻ sĩ, tiền thân của trí thức Việt Nam và Trung Quốc, chỉ giản dị là luồn lách để được vinh thân trong guồng máy chính quyền, dù là một chính quyền bạo ngược. Lý tưởng của kẻ sĩ không phải là để phục vụ cho xã hội mà chỉ là để phục vụ cho một chính quyền. Nhân cách tối đa của kẻ sĩ chỉ là ở ẩn, nghĩa là không hợp tác nhưng cũng không chống đối. Trong lịch sử Việt Nam và Trung Quốc, trừ một vài ngoại lệ rất hiếm hoi, những thay đổi chính quyền đều không do kẻ sĩ mà do các lãnh chúa, các võ tướng, hoặc các tay anh chị. Văn hóa Khổng giáo không chỉ là văn hóa nô lệ mà còn là văn hóa dành riêng cho những kẻ nô lệ bởi vì các vua chúa hoàn toàn không coi "đạo đức Khổng Mạnh" ra gì cả. Họ có nếp sống riêng và những giá trị riêng. Tác dụng tha hóa của Không Giáo đã lớn đến độ nó đã khiến các chế độ Trung Quốc và Việt Nam dậm chân tại chỗ dưới các bạo quyền trong hàng ngàn năm. Trong cuộc hành trình về tự do và dân chủ Khổng Giáo là gánh nặng gấp nhiều lần Hồi Giáo. Không phải là một sự tình cờ mà trí thức Việt Nam và Trung Quốc không đầu tư học hỏi và suy nghĩ vào khoa học chính trị và do đó rất thiếu hiểu biết về chính trị. Không quan tâm tới chính trị là đặc tính của những kẻ nô lệ. Cũng không phải là một sự tình cờ mà chế độ cộng sản Trung Quốc, và cả chế độ cộng sản Việt Nam, đang muốn phục hồi lại Khổng Giáo.

Một trong những hậu quả của sự khác nhau giữa Hồi Giáo và Khổng Giáo là chúng ta thiếu điều mà các dân tộc Hồi Giáo có: một tầng lớp trí thức chính trị. Đó cũng chính là điều mà một dân tộc không thề thiếu, vì từ khi thế giới bước vào kỷ nguyên văn minh, nghĩa là từ hơn hai thế kỷ nay, cuộc cách mạng nào cũng phải do trí thức chủ xướng và lãnh đạo. Và trí thức chỉ đảm nhiệm được vai trò của mình nếu dũng cảm và sáng suốt. Dũng cảm để dám chống lại thay vì phục tùng sự tồi dở, sáng suốt để hiểu rằng phải đấu tranh như thế nào, thí dụ như phải có tổ chức mới có sức mạnh.

Cho tới nay, trừ một vài ngoại lệ hiếm hoi, trí thức Việt Nam đã thiếu cả dũng cảm lẫn sáng suốt. Về mặt chính trị trí thức Việt Nam có lẽ còn kém hơn cả trí thức Châu Phi Đen. Và đó là một thảm kịch. Đất nước ta như đoàn tàu mà các toa đều đã sẵn sàng nhưng đầu tàu không chạy. Trí thức Việt Nam đi sau thay vì đi trước và dẫn đường cho quần chúng như trí thức các nước khác. Chúng ta đã nói nhiều về di sản lịch sử và văn hóa. Đã đến lúc phải vượt qua di sản đó. Khẩn cấp. Và nếu trí thức Việt Nam trút bỏ được gánh nặng di sản đó thì tình hình có thể thay đổi rất nhanh chóng. Nhưng muốn như thế thì phải có một quyết tâm rất cao và một thái độ thật dứt khoát, bởi vì chúng ta, trí thức Việt Nam ở mọi lứa tuổi, không nhiều thì ít, do mội trương xã hội hoặc gia đình, đều là sản phẩm của nền văn hóa đó. Và không có cuộc chiến đấu nào cam go bằng một cuộc chiến đấu với chính mình.

Nguyễn Gia Kiểng
(7/2011)

http://ethongluan.org/index.php?option=com_content&view=article&id=314:nhin-ngi--rp-va-ngh-v-minh-nguyn-gia-king

Không có nhận xét nào: