Pages

Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2011

Trung Quốc trông đợi để có thêm các tài nguyên ở Biển Ðông

Biển Ðông đã từng đắm chìm trong những vụ tranh chấp lãnh hải từ nhiều chục năm. Các tài nguyên dồi dào về dầu hỏa và khí đốt thiên nhiên là một trong các lý do lớn nhất khiến khu vực rơi vào vòng tranh chấp gay gắt. Trung Quốc nhận toàn bộ vùng biển Ðông thuộc chủ quyền của mình và mới đây đã tăng cường các nỗ lực kiểm soát và khai thác các tài nguyên ở đó qua việc đặt dàn khoan dầu biển sâu đầu tiên trong khu vực này.


Trung Quốc dựng cờ trên một trong 2 kiến trúc mới xây trên một một đảo trong quần đảo Trường Sa .Hồi cuối tháng 5, Trung Quốc loan báo khai trương một dàn khoan lớn tối tân dùng ở vùng biển sâu, còn gọi là CNOOC 981. Dàn khoan này lớn cỡ một sân bóng bầu dục, được xây dựng bởi Công ty Đóng Tầu Trung Quốc cung cấp cho công ty sản xuất dầu khí hàng đầu là Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc. Dàn khoan này có khả năng vận hành ở các độ sâu 3.000 mét và hút dầu ở các độ sâu tới 12.000 mét.

Theo tin tức của các cơ quan truyền thông Trung Quốc, dàn khoan dự trù sẽ bắt đầu hoạt động trong vùng Biển Ðông vào một thời điểm trong tháng này.

Ông Lâm Bá Cường là người đứng đầu Trung tâm Khảo cứu Kinh tế Năng lượng thuộc trường Đại học Hạ Môn của Trung Quốc.

Ông nói rằng các bản tin cho thấy dàn khoa sẽ tới Biển Ðông vào tháng bảy. Ông nói chưa có thêm tin tức về sự kiện này, vì thế ông tin là dàn khoan chưa được đưa đến nơi.

Bất kể khi nào dàn khoan được đưa đến và bắt đầu khoan, các chuyên gia phân tích nói rằng việc Bắc Kinh bố trí một dàn khoan tối tân ở biển sâu trong vùng Biển Ðông là một sự khẳng định cả nhu cầu về dầu khí ngày càng tăng của Trung Quốc lẫn nguồn cung ứng tài nguyên hạn chế trên bộ của nước này.

Trung Quốc từng là nước toàn nhập khẩu dầu trong gần 2 thập niên, và đã nhập khí đốt thiên nhiên từ năm 2007. Trong tư cách là nền kinh tế lớn hàng thứ nhì trên thế giới, nhu cầu tăng vọt về năng lượng của nước khổng lồ ở châu Á này đã dẫn đến sự gia tăng gấp 4 lần mức tiêu thụ dầu trong hai thập niên vừa qua.

Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế ước tính Trung Quốc sẽ nhập khẩu 5 phần 6 lượng dầu tiêu thụ từ nay cho đến năm 2035.

Theo một báo cáo mới đây của công ty năng lượng British Petroleum có trụ sở ở London, lãnh thổ Trung Quốc chỉ chứa khoảng 1,1% các trữ lượng dầu hỏa của thế giới.

Nói một cách đơn giản, theo ông Lâm Bá Cường, các nguồn tài nguyên trên lục địa của Trung Quốc là không đủ.

Ông Lâm nói các tài nguyên có thể tìm thấy trên bộ gần như đã cạn kiệt, vì thế vùng hải dương của Trung Quốc rất quan trọng trong việc giảm bớt lượng nhập khẩu các tài nguyên. Ông nói khai thác hải dương là cực kỳ quan trọng.

Ông Lâm nói ông không biết dàn khoan sẽ được đưa tới đâu, nhưng có nhiều phần chắc là sẽ bám vào những vùng nước sâu ở Biển Ðông.

Việc bố trí dàn khoan ở biển Nam Trung Hoa đã châm ngòi cho những vụ phản đối của các nước khác cũng nhận chủ quyền trong khu vực.

Ông Gabe Collins, người đồng sáng lập ChinaSignPost.com, một trang web tập trung vào công cuộc khảo cứu và phân tích Trung Quốc, nói rằng ông sẽ rất ngạc nhiên nếu Trung Quốc đưa dàn khoan ngay lập tức tới một khu vực đang có tranh chấp ở Biển Ðông.

Ông nói: “Họ có rất nhiều khu vực, khi bắt đầu từ phía nam Hong Kong, một số khu vực ở khoảng 250 đến 300 kilomet ngoài khơi, nơi họ đã tìm ra một số lượng khí đốt thiên nhiên đáng kể, và ít nhất đối với tôi, thì tôi nghĩ rằng sẽ có lý hơn nêu đặt dàn khoan ở một khu biển sâu nào đó, và thăm dò các khu vực rõ ràng là không có tranh chấp.”

Ông Collins nói trong năm vừa qua, CNOOC đã nói về những vùng biển sâu trong Biển Ðông và tình trạng những vùng này chưa được khai thác và có tiềm năng lớn đến mức nào.

Hồi cuối năm ngoái, CNOOC loan báo các kế hoạch đầu tư 200 tỷ nguyên vào việc thăm dò dầu khí ở Biển Ðông và khoan 800 giếng dầu ở biển sâu.

Con số ước tính về khí đốt thiên nhiên trong Biển Ðông lên tới hàng trăm ngàn tỷ mét khối. Các nhà địa chất học Trung Quốc tin rằng có hơn 200 tỷ thùng dầu. Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ và các cơ quan khác nói từ 60 đến 70% các tài nguyên hydrocarbon tong khu vực là khí đốt thiên nhiên.

Ông Collins tỏ ra nghi ngờ những tuyên bố về trữ lượng lớn khí đốt trong khu vực. Ông nói một viên chức của CNOOC được báo Economist trích thuật hồi đầu năm nay đã ước tính rằng có tới 200 ngàn tỷ mét khối khí đốt thiên nhiên trong vùng Biển Ðông:

“Trữ lượng khí đã được chứng minh như ở Nga chẳng hạn thì vào khoảng 44 đến 45 ngàn tỷ mét khối, và cơ bản Nga là một thứ Ả Rập Sê-út về khí đốt thiên nhiên. Tôi hơi nghi ngờ về các ước lượng quá cao. Ngoài ra, vẫn chưa có mấy vụ phát hiện dầu, ít nhất từ những vụ thăm dò, nhất là ở vùng biển sâu trong Biển Ðông, mà chỉ có nhiều vụ phát hiện khí đốt.”

Theo các chuyên gia, điều rõ ràng là trong khi có thêm các tài nguyên được chứng minh là tồn tại, thì các vụ tranh chấp lãnh thổ có phần chắc cũng sẽ gia tăng.

Không có nhận xét nào: